1. Ý nghĩa về lễ cúng ông táo chầu trời.
Thần Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc. Nhưng được Việt hóa thành sự tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Người dân vẫn quen gọi chung là Táo quân hoặc ông Táo.
Ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết tất cả mọi chuyện tốt xấu của mọi người, nên để cho vua bếp phù hộ cho gia đình sang năm mới gặp được nhiều điều may mắn, người Việt đã làm lễ tiễn đưa ông Táo chầu trời.
Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, người Việt làm lễ rước ông Táo lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong một năm để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh cho tất cả loài người. Đến đêm Giao thừa, người dân làm lễ đón ông Táo trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa gia đình.
Hình 1. Mâm cúng ông Táo 23 tháng Chạp.
2. Tại sao lại làm mâm cúng ông táo?
Theo quan niệm của người Việt, không chỉ cai quản việc trong gia đình, các vị Táo quân còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, giữ bình yên cho mọi người trong nhà.
Vì vậy, người dân tin rằng thờ cúng ông Táo là để vị thần Bếp núc phù hộ cho gia chủ luôn bình yên đầy đủ, mang đến sự ấm no, yên ấm. Quan niệm dân gian, ông Táo lên trời vào dịp cuối năm sẽ đi chầu Ngọc Hoàng báo lại tình hình làm ăn, lối sống của mỗi gia đình.
Vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Hình 2. Mâm cúng ông Công - ông Táo.
3. Lưu ý cúng ông Táo để mang lại hạnh phúc âm êm cho gia đình.
- Nên thực hiện trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp: Quan niệm xưa cho rằng sau 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp Âm lịch, các Táo Quân sẽ về trời. Vì thế, lễ cúng cần phải được tiến hành lễ cúng ông Táo trước thời điểm này. Bạn có thể làm lễ cúng ông Táo vào tối ngày 22 tháng Chạp hoặc sáng ngày 23 tháng Chạp (trước 12 giờ trưa).
- Không đặt mâm lễ cúng dưới bếp: Táo Quân là những vị cai quản chuyện nhà cửa, bếp núc nên nhiều gia đình đã đặt mâm cỗ cúng dưới bếp. Tuy nhiên, để phù hợp với phong tục và quy tắc thờ cúng của dân ta, các vị Táo Quân cần được thờ phụng trên bàn thờ chính trong nhà thay vì ở bếp.
- Không xin tài lộc, sung túc: Táo Quân lên chầu trời là để báo cáo với Ngọc Hoàng chuyện lớn, việc nhỏ diễn ra trong năm ở dưới hạ giới. Vì vậy, bạn chỉ nên cầu xin các Táo Quân báo cáo điều tốt với Ngọc Hoàng.
- Không nên thả cá chép từ trên cao xuống: Nhiều người chọn phóng sinh cá chép từ trên cầu hoặc ném cá chém ra xa. Điều này bị xem là mạo phạm, làm mất ý nghĩa tâm linh và đồng thời cũng khiến cá chết.
Hình 3. Mâm lễ cúng ông Táo.
4. Bài văn khấn cúng ông Táo.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
Tín chủ (chúng) con là: ..........................................
Ngụ tại: …...............................................................
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật.
Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước lộc, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành.
Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
Nam mô A Di Đà Phật!
(Trích theo Văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin).
Hình 4. Mâm cúng Táo quân 23 tháng Chạp.