1. Thần tài là gì, ý nghĩa của việc thờ cúng Thấn tài, Thổ địa:
- Thần Tài xuất phát từ tín ngưỡng thờ cúng của người Trung Hoa du nhập vào Việt Nam từ rất lâu, có thể do các thương nhân người Việt buôn bán với Trung Quốc, bởi đa phần chỉ có những ai kinh doanh buôn bán mới biết tới Thần Tài và thờ Thần Tài. Ngày nay được phát triển mở rộng do ai cũng phải lo kinh tế, cũng phải đi làm để có thêm thu nhập, lo cho cuộc sống gia đình nên các gia đình cũng thờ Thần Tài.
- Thần Tài là vị thần đem đến tài lộc, may mắn, thành công cho nhân gian. Còn Thổ Địa là vị thần chuyên cai quản đất đai, bảo vệ che chở cho gia đình mình. Do đó, việc thờ cúng thần tài, thổ địa là nét văn hóa tâm linh đặc trưng của người dân Việt Nam.
Mâm cúng thần tài, thổ địa trong ngày vía thần tài
2. Bài trí bàn thờ Thần Tài, Thổ địa:
Bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa đặt dưới đất, nơi trang nghiêm hướng ra cửa chính hoặc gần cửa chính. Trên bàn thờ Thần Tài thường được đặt các đồ vật, lễ vật sau:
- Tượng Thần Tài - Thổ Địa: thường được làm bằng sứ, đặt hai bên ban thờ. Theo nguyên tắc, vị trí đặt (nhìn từ ngoài vào) sẽ là: tượng Thần Tài bên trái, tượng Thổ Địa bên phải.
- Tượng Phật Di Lặc: là vị thần quản lý và ngăn chặn các vị thần làm những điều sai trái, thường được đặt bên trên ban thờ Thần Tài.
- Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy: được đặt ở giữa hai tượng Thần Tài - Thổ Địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm và được đặt từ đầu năm cho tới cuối năm mới được đem thay.
- Bát nhang: được đặt giữa ban thờ và tuyệt đối không được xê dịch, di chuyển.
- Lọ hoa tươi và quả tươi, thường là mâm/đĩa ngũ quả.
- 5 chén nước xếp hình chữ thập: tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển.
- 5 củ tỏi: đặt vào trong một chiếc đĩa nhỏ với ý nghĩa xua đuổi ma quỷ.
- Bát nước đầy rắc cánh hoa hồng ở trên: mang ý nghĩa giữ cho tiền bạc không bị trôi đi. Thường được đặt trên nền đất ngoài cùng ban thờ.
- Tượng Ông Cóc: đặt bên trái ban thờ với ý nghĩa đón sinh khí, tài lộc. Ban ngày quay tượng ra ngoài và tối quay vào trong.
Mâm cúng thần tài, thổ địa
3. Lễ vật cúng Thần Tài, Thổ địa:
- Bộ tam sên, gồm 3 món: 300g thịt heo (có thể luộc hoặc quay), 3 quả trứng luộc (trứng gà hoặc trứng vịt) và 3 con tôm hoặc cua luộc.
- Cá lóc nướng: Cá lóc này phải để nguyên con, đem đi nướng trui (Việc để nguyên trạng cá lóc như trên là để tưởng nhớ rằng ông cha rất thiếu thốn khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyển cá vảy cả con, miễn sao nuôi dưỡng được bản thân và đảm bảo công việc thì vui lòng).
- Mâm ngũ quả: Có thể chọn các quả như cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu,...
- 1 lọ hoa tươi có màu sắc rực rỡ (hoa cúc, hoa ly,...).
- 1 bộ giấy tiền vàng mã.
- Thuốc lá (cả bao và có 2 điếu thuốc thò đầu ra).
- 1 dĩa gạo và 1 dĩa muối hột.
Ngoài ra, cúng Thần Tài còn có khay vàng giấy, hai bát hương là hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu.
Mâm cúng ngày thường là hoa quả, đồ chay, còn ngày vía Thần Tài cúng mặn gồm 1 miếng thịt, 1 con tôm, 1 quả trứng luộc. Ngoài ra, dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc Thần Tài, cúng xong mang trên người sẽ được may mắn quanh năm.
Hoa cúng Thần Tài không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm. Quả cũng không nên dùng quả nhựa mà nên cúng Thần Tài bằng quả tươi ngon và thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt…
Mâm cúng thần tài theo truyền thống người Việt Nam
4. Bài văn khấn cúng Thần tài, Thổ địa theo truyền thống:
BÀI VĂN KHẤN THẦN TÀI – THỔ ĐỊA
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư vị Phật, Chư Phật mười phương.
– Con lạy Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy Thần Tài tiền vị.
– Kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:…………………………Tuổi:…………………..........................
Ngụ tại…………………………………………………………..........................
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………………(âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị tôn Thần.
Cúi xin Thần Tài và Hoàng Thiên Hậu Thổ thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. (Đoạn này tùy ý gia chủ mong muốn điều gì thì vái xin điều đó).
Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì.
Cẩn cáo!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Nam mô a di Đà Phật!
Lễ vật trên mâm cúng thần tài trong ngày vía thần tài